Tình hình phân bố dân cư trên thế giới – Đặc điểm chung
Tổng diện tích trái đất là 510 triệu km2, trong đó các đại dương chiếm tới 3/4 diện tích, còn lại các lục địa và các hải đảo mà con người đã cư trú được (trừ châu Nam cực). Số dân trên thế giới ngày càng đông đúc. Từ những nơi cư trú đầu tiên ở châu Phi và châu Á, con người tỏa đi các lục địa khác vào những thời kì khác nhau để làm ăn sinh sống. Sự phân bố dân cư trên trái đất có hai đặc điểm chính, đó là sự biến động theo thời gian và sự phân bố không đồng đều trong không gian.
a) Sự biến động về phân bố dân cư theo thời gian
Con người xuất hiện từ lâu trên trái đất và đã có nhiều sự thay đổi về phân bố theo không gian lãnh thổ. Người ta ước tính rằng lúc đầu con người có khoảng 12,5 vạn và lúc đó mật độ dân số là 0,00025 người/km2. Tiếp theo số dân phát triển lên 1 triệu, cư trú rải rác ở châu Phi, châu Á, châu Âu với mật độ 0,012 người/km2.
Bước sang thời kì trồng trọt, loài người sống tập trung hơn, nhưng mật độ không đồng đều giữa các châu: 1 người/km2 ở châu Á, Phi, Âu và 0,4 người/km2 ở các châu còn lại. Đến năm 1650, dân số thế giới là hơn 500 triệu, mật độ trung bình là 3,7 người/km2. Đến năm 1995, mật độ dân số trung bình của thế giới đã đạt 38,3
người/km2.
Nếu tính từ giữa thế kỉ XVII cho đến nay, chúng ta có thể thấy được sự thay đổi cụ thể hơn về phân bố dân cư trên thế giới. Dân cư lập trung đông nhất ở châu Á và ít nhất ở châu Đại Dương. Qua thời gian, số dân ở châu Á có thay đổi chút ít, nhưng vẫn vượt xa các châu lục khác. Tình hình này là do châu Á là một lục địa lớn, một trong những cái nôi văn minh đầu tiên của nhân loại, có tốc độ gia tăng tự nhiên cao và ít chịu ảnh hưởng của các cuộc chuyển cư liên lục địa.
Ở các châu lục khác, sự thay đổi diễn ra phức tạp hơn nhiều, số dân khi tăng, khi giảm. Trong thời gian từ giữa thế kỉ XVII đến giữa thế kỉ XVIII, số dân châu Âu tương đối ổn định. Sau đó, số dân tăng vọt vào giữa thế kỉ XIX do sự bùng nổ dân số cục bộ, rồi giảm đột ngột, một phần vì xuất cư, nhưng chủ yếu vì mức gia tăng tự nhiên giảm sút. Dân số châu Phi bị giảm đi nhiều vì có liên quan tới việc xuất cư. Trong khi ấy, nhờ các dòng nhập cư liên tục từ châu Phi và châu Âu, dân số châu Mỹ tăng lên đáng kể. Riêng châu Đại Dương số dân rất ít so với tổng số dân thế giới và cũng chỉ tăng lên ít nhiều sau khi có các dòng nhập cư từ châu Âu tới.
Vào năm 1750 dân số châu Á chiếm 63% dân số thế giới, châu Âu 21%, châu Phi 13%, châu Mỹ Latinh – Caribe 2% và Bắc Mỹ chỉ chiếm 0,3%. Sau năm 1750, sự quá độ dân số đã bắt đầu ở châu Âu, tỉ lệ tử giảm, dân số tăng nhanh đồng thời bắt đầu có những cuộc di dân sang Bắc Mỹ.
Từ năm 1900 dân số châu Âu và Bắc Mỹ tăng lên (châu Âu 25% và Bắc Mỹ 5%). Trong khi đó do sự tăng trưởng dân số tuyệt đối chậm ở châu Á và châu Phi nên tỉ lệ dân số châu Á chỉ chiếm 57% và châu Phi là 8% dân số thế giới. Từ đầu thế kỉ XX mức sinh bắt đầu giảm ở châu Âu, đồng thời mức tử lại giảm ở châu Á và châu Phi. Trong khoảng 1900 – 1995, dân số châu Âu giảm từ 25% xuống còn 13% dân số thế giới, còn châu Á tăng nhanh và chiếm 60%, châu Phi cũng tăng lên 13% dân số toàn cầu.
b) Sự phân bố không đồng đều của dân cư theo không gian
Nhìn chung trên địa cầu, sự phân bố dân cư rất không đồng đều: có vùng đông dân, có vùng thừa dân, thậm chí lại có vùng không có người ở. Mật độ dân số trung bình của thế giới năm 1992 là 36,4 người/km2, nhưng đi vào từng vùng thì tình hình khác đi nhiều. Có những khu vực dân cư tập trung rất cao như vùng đồng bằng châu Á gió mùa đã được khai thác từ lâu đời, nơi có đất đai màu mỡ với cây trồng chủ yếu là lúa nước. Ở đây có những nơi mật độ lớn tới vài ngàn người trên 1 km2 như hạ lưu Trường Giang, châu thổ Tây Giang, đảo Java, đồng bằng Bangladesh. Tây Âu cũng là khu vực đông dân được khai thác từ bao đời nay, nhưng lại có sắc thái khác.
Rừng rú, thảo nguyên hầu hết đã được khai thác và trở thành đồng ruộng. Tuy nhiên ở đây sức thu hút dân cư chủ yếu là hoạt động công nghiệp. Nhà máy, xí nghiệp mọc lên san sát tạo ra những thành phố với số dân từ vài chục vạn cho tới hàng triệu người nối tiếp nhau làm thành một dải đô thị dày đặc. Những nơi đông dân nhất
chính là ở xung quanh Luân Đôn (thủ đô nước Anh), dọc sông Rua (Cộng hòa liên bang Đức), hai bên bờ sông Ranh (ở Đức, Bỉ, Hà Lan…).
Ngược lại, những vùng băng giá, đồng rêu ven Bắc Băng Dương (vòng cực Bắc Greenland, quần đảo Bắc Canada, phần Bắc Xibia và Viễn Đông thuộc Liên bang Nga); những hoang mạc rộng mênh mông ở châu Phi (Xahara…) và ở Úc, những vùng xích đạo rậm rạp ở Nam Mỹ (Amazon) và ở châu Phi, những vùng núi cao… hầu như không có người cư trú. Mật độ dân cư trong những vùng rộng lớn như thế có khi chỉ có 1 người/km2.