Sự phân bố dân cư theo độ cao và vĩ tuyến

Sau khi tìm hiểu các đặc điểm chung về tình hình phân bố dân cư trên thế giới, chúng ta sẽ đi sâu phân tích về tình hình phân bố dân cư trên thế giới theo độ cao và vĩ tuyến.

Sự phân bố theo độ cao địa hình

Phần lớn nhân loại sống ở độ cao tuyệt đối từ 200m trở xuống, phần lãnh thổ này chỉ có 27.8% tổng diện tích đất đai, nhưng chiếm tới 56,2% số dân của thế giới. Càng lên cao, mật độ dân số càng giảm. Những nơi có độ cao dưới 500m (57,3% đất đai) là địa bàn cư trú của tuyệt đại bộ phận dân cư (4/5 nhân loại). Ngoài ra, giữa các châu lục và các nước cũng có những sự khác biệt đáng kể. Ở Anh hơn 4/5 số dân phân bố ở độ cao tuyệt đối từ 0 đến 100m, nhưng ở nhiều nước khác, dân cư lại có thể sống ở những độ cao lớn hơn. Nếu so sánh độ cao trung bình mà dân cư sinh sống giữa các châu lục, chúng ta thấy dân Nam Mỹ cư trú trên độ cao lớn nhất (644m); còn ở châu Đại Dương, trên độ cao nhỏ nhất (95m).

Độ cao trung bình này của các châu lục được thể hiện qua các con số dưới đây:

Châu Phi 590m Bắc Mỹ 430m
Châu Á 319m Nam Mỹ 644m
Châu Âu 168m Thế giới 320m
Châu Đại Dương 95m

Càng lên cao điều kiện sống càng khó khăn, trước hết bởi áp suất khí quyển và tình trạng thiếu Oxy. Thế nhưng nhiều điểm dân cư của thế giới ở độ cao rất lớn, đặc biệt ở Nam Mỹ. 80% dân số thế giới ở đồng bằng, trong các vùng đất thấp hoặc đất cao không quá 500m.

Riêng ở châu Âu, châu Đại Dương có đến 9/10 dân số tập trung ở độ cao này. Ở châu Phi và Nam Mỹ, khá đông dân cư trong các khu vực có độ cao 500 – 1500m (tương ứng là 35.6% và 27,5%). Tại Bolivia, Afganistan, Ethopia, Mexico, Peru, hơn 2/3 dân số phân bố ở các vùng có độ cao trên 1000m (cũng ở trên độ cao này chỉ có 8% dân số thế giới đang cư trú). Ở Hà Lan, Ba Lan, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ hầu như các điểm dân cư không vượt quá độ cao 500m. Riêng ở Hà Lan 40% dân số sống trong lãnh thổ có đê chắn với độ cao thấp hơn mực nước biển.

Ngoài ra, ở các vùng đất thấp ven biển (cách mép nước biển 200m, với 16% diện tích lục địa) tập trung khoảng 1/2 dân số thế giới. Nhìn chung trong vùng ôn đới, điều kiện thuận lợi nhất cho cuộc sống của con người thường tập trung ở những nơi thấp hơn; còn ở nhiệt đới, lại là những nơi cao hơn.

Sự phân bố theo vĩ tuyến

Về phía Bắc, những điểm dân cư thường xuyên cư trú lên tới 78° Bắc còn ở phía Nam con người đã sinh sống đến 54° Nam.

Đại bộ phận dân cư thế giới tập trung ở Bắc bán cầu. Khu vực trù mật nhất là xung quanh chí tuyến Bắc (trừ vùng sa mạc ở Tây ÁBắc Phi) và vĩ tuyến 50° Bắc ở Tây Âu.

Ở Nam bán cầu do phần lớn là đại dương nên việc phân bố dân cư theo vĩ tuyến thể hiện không thật rõ rệt. Dân cư chủ yếu phân bố nhiều nhất từ xích đạo đến chí tuyến nam, trừ một vài nơi về phía đông nam của Úc, đông nam châu Phi và phía đông của Nam Mỹ.

Về cơ bản, dân cư địa cầu tập trung ở các vĩ độ thuộc vùng ôn đới và nhiệt đới. Trong vùng ôn đới có tới 58% số dân thế giới, sau đó đến vùng nhiệt đới 40%. Số dân còn lại phân tán trong các khu vực có vĩ độ cao hơn.


Các thuật ngữ khác