Dân cư là gì?

Dân cư là những tập hợp người sống trên một lãnh thổ được đặc trưng bởi những mối liên hệ về mặt xã hội cũng như những mối quan hệ qua lại về mặt kinh tế, trong đó có việc phân công lao động và cư trú theo lãnh thổ.

Dân cư là khâu trung tâm của quá trình tái sản xuất xã hội và trong hệ thống tự nhiên – dân cư – kinh tế. Dân cư chính là thành phần năng động nhất gắn bó giữa tự nhiên với kinh tế. Toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần cần thiết cho xã hội đều do lao động của con người tạo ra, do đó dân cư là chủ thể của nền sản xuất xã hội.

Mặt khác, dân cư vừa là người sản xuất ra các giá trị vật chất và tinh thần, vừa là người tiêu thụ những sản phẩm do lao động của mình làm ra, vì thế dân cư vừa có tư cách là người sản xuất, vừa có tư cách là người tiêu thụ. Nhờ việc tiêu thụ các giá trị vật chất và tinh thần, con người đảm bảo được sự tái sản xuất ra chính mình bên cạnh quá trình tái sản xuất của cải vật chất cho xã hội.

Đặc điểm chính của dân cư

Khác với những thành tạo khác của tự nhiên và xã hội, dân cư có một số đặc điểm chính như sau:

• Dân cư là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội, sự phát triển và phân bố nền kinh tế trong một nước hoặc một vùng đều phụ thuộc vào nguồn lao động mà trước hết là những người trực tiếp sản xuất tức là vào kết cấu và chất lượng của dân cư.

• Dân cư là người tiêu thụ phần lớn những sản phẩm do họ sản xuất ra, vì thế dân cư có ảnh hưởng quan trọng đến sự phân bổ và phát triển các ngành kinh tế thông qua khối lượng và tính chất của nhu cầu đối với một loại sản phẩm nào đó.

• Dân cư có quá trình tái sản xuất riêng của mình. Tùy thuộc vào các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, quá trình này diễn ra khác nhau theo thời gian và không gian. Quá trình tái sản xuất dân cư luôn có những điểm chung trong việc tạo ra thế hệ mới và quá trình này cũng đòi hỏi thời gian dài hơn so với quá trình sản xuất vật chất.

• Dân cư là người tạo ra và đại diện cho các quan hệ sản xuất, và chính các quan hệ sản xuất này lại quyết định mọi mặt của đời sống xã hội. Các mối quan hệ này luôn bị chi phối bởi các quy luật phát triển kinh tế và phân bố sản xuất trong từng thời kì lịch sử.

• Do nhận thức được các quy luật phát triển của tự nhiên, dân cư trở thành một lực lượng năng động nhất trong mối quan hệ giữa con người và giới tự nhiên. Từ chỗ thích ứng với thiên nhiên, dân cư đã tác động mạnh hơn vào tự nhiên, vừa làm chủ vừa phụ thuộc vào tự nhiên. Mối quan hệ “thiên – địa – nhân” được nói tới trong
triết học phương Đông chính là thể hiện khái niệm này.


Các thuật ngữ khác