Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh

Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu thế nào tỷ suất sinh cũng như các loại của nó, tiếp đến chúng ta sẽ phân tích những nhân tố nào ảnh hưởng đến tỷ suất sinh của một quốc gia để giải thích và hiểu rõ hơn về ý nghĩa của số liệu này.

Tình hình hôn nhân

Hôn nhân và sinh đẻ có quan hệ mật thiết với nhau vì thế tỷ suất sinh phụ thuộc rất nhiều vào mức độ kết hôn và tuổi kết hôn. Tuổi kết hôn là nhân tố rất quan trọng, kết hôn càng sớm thì số con càng đông. Tuổi kết hôn là độ tuổi được quyền xây dựng gia đình theo luật pháp hoặc theo tập quán. Ở nhiều nước, việc xác định tuổi kết hôn có tính đến sự trưởng thành về giới tính cũng như về tâm lí – xã hội.

Trong các xã hội trước đây, tuổi kết hôn thường rất thấp. Trong đạo Thiên Chúa, người ta coi tuổi kết hôn là 12 đối với nữ và 14 đối với nam; còn theo đạo Tin Lành là 14 chung cho cả 2 giới. Ở Nga vào năm 1714, tuổi kết hôn được quy định từ 13 (nữ) và 15 (nam). Từ năm 1962, Liên Hiệp Quốc có khuyến nghị về tuổi kết hôn tối thiểu là không dưới 15, đồng thời cấm kết hôn ở lứa tuổi trẻ em.

Quan niệm về tuổi kết hôn có sự thay đổi theo thời gian và không gian: châu Phi là nơi có truyền thống kết hôn sớm, tuy vậy, gần đây chiều hướng kết hôn ở tuổi vị thành niên cũng giảm nhiều so với trước. Ở châu Á tuổi kết hôn cao hơn: từ 18 đến 20 và 25 – 28 ở một số nước. Bắc Mỹchâu Âu có tuổi kết hôn còn cao hơn nữa: 20 – 23 đối với nữ, nam còn chậm hơn (3 – 5 tuổi). Tại các nước này số người sống độc thân cũng rất nhiều (tới gần 5%).

Nhân tố tâm lí – xã hội

Tâm lí – xã hội tác động rất phức tạp đến tỷ suất sinh. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có những quan niệm riêng về hôn nhân và gia đình. Nói chung trong xã hội nông nghiệp, con cái là nguồn lao động tiềm tàng, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho bố mẹ về già nên thường có mức sinh rất cao. Trong khi đó tại nhiều nước châu Âu, ngay từ thế kỉ trước, nhiều gia đình đã muốn hạn chế số con ở mức rất thấp, nhờ đó đã có thể giảm tỷ suất sinh một cách nhanh chóng. Xã hội ngày nay vẫn tồn tại nghịch lí là chính những nước nghèo nhất lại là những nước có tỷ suất sinh cao nhất, ngược lại, ở những nước có nền kinh tế phát triển, mức thu nhập cao, tỷ suất sinh lại thường thấp.

Ngoài ra, ảnh hưởng tới tỷ suất sinh còn có một số nhân tố khác như hoàn cảnh kinh tế – xã hội, chính trị, chính sách dân số, thời bình hoặc thời chiến. Các chính sách dân số và địa vị người phụ nữ trong xã hội có vai trò quan trọng trong việc điều khiển sự gia tăng dân số nói chung và tỷ suất sinh nói riêng.


Các thuật ngữ khác