Cơ cấu dân số theo thành phần dân tộc
Dân cư ở mỗi nước thường bao gồm nhiều tộc người với những đặc điểm khác nhau về sinh hoạt, phong tục, tập quán, ngôn ngữ… Cơ cấu dân số theo thành phần dân tộc là sự tập hợp những bộ phận hợp thành dân số của một nước được phân chia theo thành phần dân tộc (hoặc theo quốc tịch).
Cơ cấu dân số theo dân tộc
Cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự hình thành nhà nước (quốc gia) đã chấm dứt việc phân biệt dân cư theo bộ lạc mà chuyển sang việc phân biệt theo lãnh thổ cư trú. Những người sống trên cùng một lãnh thổ và có cùng một ngôn ngữ, có quan hệ với nhau trong đời sống chính trị, kinh tế thường hợp lại thành một dân tộc. Dân tộc là khối cộng đồng dân cư hình thành trong quá trình lịch sử. Những người cùng dân tộc là những người cùng sống với nhau lâu đời, cùng chung một lịch sử, còn những người cùng một chủng lộc chỉ là những người có cùng đặc điểm về mặt sinh học.
Trên thế giới có rất nhiều tộc người. Số dân của mỗi tộc người dao động rất lớn: từ hàng trăm triệu người (thí dụ, người Hán vài trăm triệu, người Hindu 200 triệu, người Mỹ 178 triệu, người Bengan 158 triệu, người Nga 143 triệu, người Braxin 126 triệu, người Nhật 120 triệu) cho đến vài trăm, thậm chí vài chục người (Toala ở Indonesia, Botocu ở Braxin, Alacalu ở Argentina…). Riêng 295 tộc người có số dân từ 1 triệu trở lên (trong số hơn 3000 tộc người) đã chiếm tới 96.3% tổng số dân trên trái đất. 71 tộc người lớn nhất (với số dân trên 10 triệu người) chiếm hơn 80% dân số thế giới.
Phần lớn các nước đều có nhiều tộc người, từ vài chục đến hàng trăm (Liên bang Nga, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Iran…). Các quốc gia chỉ có một tộc người tương đối hiếm hơn (Nhật, Triều Tiên, Bangladesh, một vài nước ở châu Âu và trên báo đảo Ả Rập). Trong khi đó, lại cũng có nhiều tộc người sống trong hai hay nhiều quốc gia.
Trong cơ cấu dân số theo dân tộc của một nước bao giờ cũng có một (hoặc một số) tộc người chiếm ưu thế. Ngôn ngữ của họ thường được coi là ngôn ngữ chính của nước đó.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 2500 tiếng nói (ngôn ngữ) khác nhau. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia có một ngôn ngữ chính thức. Nhưng ở một số nước lại sử dụng nhiều ngôn ngữ và các ngôn ngữ được xem ngang hàng như nhau (tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Italia ở Thụy Sĩ, tiếng Pháp và tiếng Flaming ở Bỉ). Có những thứ tiếng không chỉ thông dụng trong một nước mà còn phổ biến ở nhiều nước, được dùng làm ngôn ngữ chính của nhiều dân tộc. Phổ biến nhất trên thế giới là tiếng Trung Quốc (hơn 1,2 tỉ người), tiếng Tây Ban Nha (527 triệu), tiếng Anh (371 triệu), tiếng Ả Rập (291 triệu), tiếng Nga (267 triệu)….
Cơ cấu dân số theo quốc tịch
Trong quá trinh giao lưu quốc tế, việc di chuyển dân cư ngày càng nhiều, dẫn tới tình hình trong một nước có thể có nhiều người từ các nước khác đến sinh sống và làm việc. Họ có thể được công nhận quốc tịch như người dân chính thức của nước đó, hoặc được hưởng quy chế người nước ngoài.
Khi được công nhận quốc tịch của nước sở tại, họ được coi như một cư dân trong một tộc người của chính quốc gia đó.
Còn những người sống theo quy chế người nước ngoài thì có phần phức tạp hơn, nhất là ở những nước công nghiệp phát triển có tỷ lệ người nước ngoài cao. Trong nhiều trường hợp, những người nước ngoài vẫn góp phần quan trọng vào việc tăng hay giảm dân số của nước sở tại.
Các thuật ngữ khác
- Đô thị hóa là gì?
- Tỷ suất tử là gì?
- Quá trình đô thị hóa trên thế giới
- Cơ cấu dân số theo độ tuổi
- Cơ cấu dân số là gì?
- Tình hình phân bố dân cư trên thế giới – Đặc điểm chung
- Dân cư là gì?
- Sự phân bố dân cư theo độ cao và vĩ tuyến
- Sự phân bố dân cư theo châu lục
- Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh