Quá trình đô thị hóa trên thế giới

Nhiều tài liệu cho rằng, các đô thị đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện vào năm 3000-1000 trước Công nguyên ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Sirya, Ấn Độ, Tiểu Á và châu Phi. Trong thế giới Hy Lạp cổ đại, các đô thị như Athen, Roma, Cacphagien đã có địa vị quan trọng. Tại các thành phố trung cổ và phục hưng, các yếu tố của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã được hình thành. Với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nguyên nhân đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và tăng cường mức độ tập trung dân cư trong các thành phố là nhu cầu bức thiết phải tập trung hóa và liên kết các hình thức, các dạng hoạt động sản xuất vật chất và tinh thần của xã hội.

Sự phát triển của quá trình đô thị hóa liên quan chặt chẽ với đặc điểm hình thành cư dân đô thị và sự phát triển của các thành phố. Nhịp độ gia tăng dân số đô thị phụ thuộc vào quá trình tái sản xuất dân cư của chính số dân đô thị và các dòng người nhập cư. Sự phát triển và mở rộng quy mô thành phố đặt ra nhiều vấn đề như nên
đưa vào ranh giới thành phố những lãnh thổ nào (bao gồm các khu dân cư, làng mạc…) và việc cải tạo các điểm dân cư nông thôn ra sao để chúng trở thành các điểm dân cư thành phố. Trên thực tế, sự phát triển của các thành phố còn diễn ra do việc mở rộng các khu vực ngoại vi và các điểm đô thị, bởi vì các khu vực này ngày
càng bị thu vào quỹ đạo của thành phố.

Dưới chủ nghĩa tư bản, quá trình đô thị hóa phát triển với tốc độ nhanh. Một trong những tiêu chuẩn để xác định mức độ đô thị hóa là tỉ lệ dân thành thị so với tổng số dân của lãnh thổ. Từ giữa thế kỉ XX, nói chung nhịp độ gia tăng số dân thành thị khá nhanh, tuy có sự khác nhau về mức độ giữa các nhóm nước.

Sự tập trung của dân cư vào các thành phố lớn và cực lớn là nét đặc trưng của quá trình đô thị hóa trong giai đoạn hiện nay. Từ năm 1860 đến năm 1980 tỉ lệ dân số sống trong các thành phố lớn so với tổng số dân thế giới tăng từ 1,7% đến 20%. Số lượng các thành phố lớn tăng lên không ngừng. Năm 1700, cả hành tinh có 31 thành phố lớn (các thành phố có số dân từ 10 vạn trở lên). Con số này tiếp tục gia tăng: 65 (vào năm 1800), 114 (1850), 360 (1900), 950 (1950), hơn 2000 (1980).

Sự phát triển của thành phố triệu dân cũng rất mạnh mẽ. Nếu như năm 1800 chỉ có một thành phố triệu dân thì năm 1980 đã lên đến 200.

Đô thị hóa ở các nước phát triển và các nước đang phát triển

Ở phần lớn các nước kinh tế phát triển, do quá trình công nghiệp hóa diễn ra sớm nên quá trình đô thị hóa cũng bắt đầu sớm. Đặc trưng cho quá trình đô thị hóa ở đây là nhịp độ gia tăng tỉ lệ dân thành phố tương đối cao và việc đẩy mạnh các quá trình hình thành các thành phố cực lớn (cụm đô thị, siêu đô thị).

Ở các nước này, số dân thành thị chiếm tỉ lệ rất cao so với tổng số dân (trên 12%). Các khu vực dân cư đô thị trù mật nhất tập trung ở châu Đại Dương (71%), châu Âu (72%) và Bắc Mỹ (74,3%). Các nước có tỉ lệ dân thành thị cao nhất (1988): Bỉ (95%), CHLB Đức (94%). Anh (91%), Tây Ban Nha (91%), Iceland (90%), Úc (86%), Đan Mạch (84%), New Zealand (84%), Thụy Điển (84%)… Nhịp độ gia tăng số dân thành thị ở các nước này trong thời gian gần đây đã bắt đầu chậm lại.

Cuộc bùng nổ dân số đi liền với “bùng nổ đô thị hóa” ở các nước đang phát triển. Nét đặc trưng của quá trình này là sự thu hút cư dân nông thôn vào các thành phố lớn, trước hết là thủ đô. Dòng người từ nông thôn đến các thành phố ngày càng đông, một mặt, do nhu cầu sức lao động của các thành phố lớn, và mặt khác người nông dân ra đi với niềm hy vọng tìm được việc làm có thu nhập khá hơn.

Cùng với nhịp độ đô thị hóa rất cao, sự phát triển không cân đối của thủ đô nhiều quốc gia châu Á, Phi liên quan tới kiểu đô thị hóa đặc biệt: cư dân nông thôn ùa vào thành phố. Số người đến càng đông nhu cầu việc làm càng tăng. Việc quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh hơn công nghiệp hóa, cộng với số người nhập cư ngày càng tăng đã làm tăng đội quân thất nghiệp và nửa thất nghiệp ở các thành phố.

Tại các nước đang phát triển, các thành phố triệu dân cũng đã và đang mọc lên với tốc độ nhanh: Mexico City (17,3 triệu), Rio de Janeiro (10,37 triệu), Cancuta (10,95 triệu), … Tại các nước này quá trình đô thị hóa phát triển với đầy mâu thuẫn: một mặt, nó thúc đẩy sự tiến bộ của đất nước, làm cho hàng triệu người có dịp làm quen với cuộc sống năng động, nhưng mặt khác, lại làm gay gắt thêm nhiều vấn đề kinh tế – xã hội vốn đã nóng bỏng dưới áp lực của sự gia tăng dân số.

Ở nước ta đang diễn ra quá trình đô thị hóa. Tỉ lệ số dân thành thị so với tổng số dân cả nước không thay đổi nhiều: 20,6% (1976); 19,2% (1979); 19,9% (1985) và 19,8% (1989). Cho đến năm 2000, tốc độ tỷ lệ dân thành thị bắt đầu gia tăng nhanh chóng, lên 24,6% (2000); 27,5% (2005); 30,6% (2010); 33,6% (2015).  Theo số liệu điều tra dân số đến năm 2017 thì tỉ lệ đô thị hóa ở nước ta là 34,7%.


Các thuật ngữ khác