Dân số học là gì?
Dân số học (Demography) là khoa học nghiên cứu biến động về số lượng, phân bố và các đặc tính của dân cư. Phân tích các tài liệu về dân số cung cấp nhiều thông tin có giá trị về rất nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, kinh tế, di truyền, sức khỏe cộng đồng, nhân chủng học và xã hội học.
Dân số học được hiểu theo nghĩa hẹp là chỉ nghiên cứu quy mô, cơ cấu và biến động dân số. Dân số đang là đối tượng quản lý của Nhà nước.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Dân số học
Các quá trình dân số vận động liên tục, không ngừng đổi mới về lượng và chất, thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước ở mức độ phát triển cao hơn. Tập hợp những thay đổi dân số như vậy gọi là quá trình tái sản xuất dân số. Xét về lượng, nếu dân số của kỳ sau lớn hơn dân số của kỳ trước thì ta có kiểu tái sản xuất dân số mở rộng, nếu dân số kỳ sau nhỏ hơn dân số kỳ trước là tái sản xuất dân số thu hẹp. Tuy nhiên, dân số học cũng hết sức chú ý đến nghiên cứu về chất lượng dân số như biến động về cơ cấu dân số, biến động về thể lực, về trí lực và sự vận động về quá trình sinh và chết cũng gắn liền với chất lượng dân số.
Tái sản xuất dân số theo nghĩa hẹp là quá trình thay thế không ngừng các thế hệ dân số kế tiếp nhau thông qua các sự kiện sinh và chết. Theo quan điểm này, tái sản xuất dân số theo nghĩa hẹp chính là đối tượng nghiên cứu của Dân số học. Tuy nhiên, sự biến động thuần túy mang tính tự nhiên chỉ có được trên quy mô toàn
thế giới (hoặc quy mô từng quốc gia nếu coi dân số của mỗi nước là một dân số đóng). Ở các vùng lãnh thổ nhỏ hơn thường xảy ra tình trạng di cư, sự dịch chuyển dân cư từ vùng lãnh thổ này đến vùng lãnh thổ khác. Theo nghĩa hẹp, sự di chuyển này không làm thay đổi số lượng cơ cấu dân số của cả nước nhưng thực tế nó làm
thay đổi cấu trúc dân số của các vùng, thay đổi điều kiện sống của những người dân di cư cũng như những người dân không di cư. Thậm chí, nó làm thay đổi tập quán dân cư ở những vùng có người đi và vùng có người đến… Vì vậy, nó sẽ làm thay đổi hành vi dân số của dân cư các vùng. Như vậy, xét theo nghĩa rộng, di cư cũng
là một yếu tố làm thay đổi quá trình dân số. Trên cơ sở này, khái niệm tái sản xuất dân số theo nghĩa rộng được hình thành.
Tái sản xuất dân số theo nghĩa rộng là quá trình thay thế không ngừng các thế hệ dân số kế tiếp nhau thông qua các sự kiện sinh, chết và di cư. Quan điểm này cho rằng tái sản xuất dân số theo nghĩa rộng mới chính là đối tượng của Dân số học.
Phương pháp nghiên cứu dân số học
Con người, ngoài những yếu tố tự nhiên, sinh học còn tồn tại trong những điều kiện kinh tế – xã hội nhất định và chịu sự tác động của chính những điều kiện kinh tế – xã hội xung quanh. Cao hơn nữa, con người còn là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, mọi hành vi dân số của con người đều chịu sự tác động, chi phối của các điều kiện xung quanh. Do đó, khi nghiên cứu bất kỳ một hiện tượng hoặc một quá trình dân số nào cũng cần đặt nó trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Cần phải nghiên cứu nó bằng quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển…của phép duy vật biện chứng.
Để nghiên cứu các vấn đề dân số, người ta không thể nghiên cứu một cá thể, mà phải nghiên cứu một tổng thể dân cư với một quy mô đủ lớn, đến mức đủ gạt bỏ các nhân tố ngẫu nhiên, tìm ra được các quy luật hoặc tính qui luật của quá trình dân số. Vì vậy, các phương pháp thống kê được sử dụng rất rộng rãi trong dân số học, từ việc thu thập số liệu, xử lý thông tin đến việc trình bày, phân tích các số liệu về dân số. Các nhà dân số học cho rằng thống kê là công cụ không thể thiếu được trong quá trình nghiên cứu dân số.
Ngoài ra, toán học cũng được sử dụng nhiều trong dân số học để mô hình hóa các quá trình dân số, để biểu diễn quá trình tăng trưởng dân số, hoặc các mối liên hệ giữa các biến dân số với các biến khác bằng các hàm số toán học. Còn để nghiên cứu “con người xã hội” thì lại phải sử dụng các phương pháp điều tra, thu thập, xử lý thông tin của Xã hội học.
Trong dân số học, thời gian và độ tuổi có mối quan hệ đặc biệt, mà không môn khoa học nào có được. Từ mối quan hệ này, người ta xây dựng lược đồ Lexis, xây dựng các phương pháp nghiên cứu đặc trưng của dân số học. Phép phân tích ngang và phân tích dọc, phương pháp thế hệ hiện thực và thế hệ giả định, thế hệ và đoàn hệ… là các phương pháp đặc trưng để nghiên cứu các quá trình dân số khác nhau.
Bất kỳ một hình thái kinh tế xã hội nào, muốn tồn tại và phát triển đều phải duy trì hai dòng sản xuất: Sản xuất ra của cải vật chất xã hội (tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng) và sản xuất ra chính bản thân con người. Hai dòng sản xuất này luôn tồn tại đồng thời và có mối liên hệ, tác động lẫn nhau. Vì vậy, nghiên cứu tái sản xuất dân số là nghiên cứu một lĩnh vực liên quan trực tiếp và quyết định đến sự tồn tại và phát triển xã hội.
Trong mối liên hệ với nền sản xuất xã hội, con người vừa là chủ thể quyết định sự tồn tại và phát triển của nó, vừa là khách thể, là lực lượng tiêu dùng những của cải do mình tạo ra. Vì vậy, các kế hoạch sản xuất, dịch vụ không thể thiếu được các căn cứ về qui mô, cơ cấu dân số. Việc nghiên cứu thị trường bắt đầu bằng việc
mô tả khái quát tình hình dân số mà nó phục vụ.
Qui mô, cơ cấu, sự gia tăng dân số thường là kết tinh của các yếu tố kinh tế – xã hội, phản ánh các điều kiện xã hội. Vì vậy, xuất phát từ các đặc trưng của dân số, từ các yếu tố dân số, có thể tìm hiểu, phát hiện dự báo các vấn đề kinh tế – xã hội khác. Chẳng hạn, nghiên cứu luồng di dân giữa nông thôn và thành thị cho phép đánh giá tình hình phát triển kinh tế của đất nước, “sự bùng nổ trẻ em ” hôm nay sẽ giúp ta dự báo sự bùng nổ nhu cầu việc làm trong khoảng 15 – 20 năm sau… Nếu xét riêng trong từng lĩnh vực dân số, các thông tin chính xác về dân số cho phép thấy được bức tranh toàn cảnh về dân số.
Đó chính là một nền tảng vật chất quan trọng của xã hội, mà dựa vào đó người ta có thể thực hiện việc quản lý có hiệu quả sự phát triển dân số của đất nước cũng như từng khu vực. Đó cũng chính là cơ sở để hoạch định chính sách dân số quốc gia một cách hợp lý.
Có thể thấy rằng, dân số học cho phép hiểu biết một trong những cơ sở vật chất của xã hội, qua đó hiểu biết đời sống xã hội và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Dân số học và môi trường
Dân số vào các thời kỳ khác nhau ở những địa điểm khác nhau, tốc độ sinh và tử, sự phân bố theo nhóm tuổi, nguyên nhân chính của tử vong… đã phản ánh rất nhiều điều về mối quan hệ tương hỗ của con người và môi trường. Mặc dù con người có khả năng thích ứng rất cao với nhiều hoàn cảnh sống, nhưng chắc chắn là sự tồn tại của con người luôn luôn yêu cầu những giới hạn nhất định của các yếu tố môi trường. Và mặc dù công nghệ đã tăng cường khả năng của con người, nhưng con người cũng khó thích nghi với những vùng đất quá nóng, quá lạnh, quá khô hoặc quá cao – đó là những vùng đất có khả năng sản xuất kém.
Vì vậy, thực là dễ hiểu câu “đất lành chim đậu”, những nền văn minh rực rỡ trong quá khứ đã từng xuất hiện trên những vùng đất màu mỡ vì khí hậu ổn định. Và sự suy thoái môi trường của các vùng đất cư trú – do thiên tai hay do con người – cũng đã làm suy tàn nhiều nền văn minh cổ đại. Điều đó chắc chắn cũng còn xảy ra trong tương lai. Càng khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu dân số học.
Các thuật ngữ khác
- Tuổi thọ trung bình là gì?
- Quá trình đô thị hóa trên thế giới
- Tỷ suất tử là gì?
- Mật độ dân số là gì?
- Các nhân tố ảnh hưởng đến tỷ suất sinh
- Các nhân tố ảnh hưởng tới sự phân bố dân cư
- Phân bố dân cư là gì? đặc điểm, quá trình và các nhân tố ảnh hưởng
- Sự phân bố dân cư theo châu lục
- Tình hình phân bố dân cư trên thế giới – Đặc điểm chung
- Dân cư là gì?